Bí quyết luộc lưỡi lợn giòn ngon

Oct 02, 20230 bình luận
Bí quyết luộc lưỡi lợn giòn ngon

Lưỡi lợn giòn thơm, chấm muối tiêu chanh hoặc mắm tỏi ớt thêm vài nhánh rau thơm, rất thích hợp để nhâm nhi trong những ngày mưa hoặc se lạnh.

Nguyên liệu cho 4-5 người ăn:

1. Một lưỡi lợn 600-650g

2. Hai củ hành khô

3. Một nhánh gừng

4. Gia vị: mắm, muối, hạt tiêu, đường, chanh, tỏi ớt

5. Rau thơm ăn kèm: húng quế, rau mùi, mùi tàu

Cách làm:

1. Lưỡi lợn mua về chà xát muối hạt khắp các mặt trong hai, ba phút, rửa sạch. Đun sôi nồi nước, thêm chút muối hạt rồi cho vào chần trong hai - ba phút. Vớt ra, xả dưới vòi nước cho nguội rồi dùng dao cạo sạch lớp màng trắng ở bên ngoài và cả ở sâu trong cuống lưỡi. Tiếp tục chà xát chanh và muối hạt để khử mùi, rửa sạch. Việc sơ chế kỹ giúp cho lưỡi luộc được thơm ngon. 

chế biến lưỡi lợn

2. Luộc lưỡi lợn: Đun sôi nồi nước, căn đủ ngập. Hành khô và gừng nướng thơm, rửa sạch cho vào nồi nước. Nêm chút muối, nước mắm (nước mắm là bí quyết khử mùi hiệu quả khi luộc các món lòng lợn nói chung). Cho lưỡi lợn đã sơ chế vào luộc. Khi nước sôi hạ lửa nhỏ liu riu, hớt bỏ bọt nếu có. Sau khoảng 20 - 25 phút thử xiên que tre qua phần thịt dày, nếu không thấy nước hồng chảy ra là đã chín. Tắt bếp và đậy vung, để trong nồi om 7 - 8 phút giúp cho thịt ngậm nước ngọt tự nhiên và mọng hơn, không bị khô xác, không bịt thâm.

chế biến lưỡi lợn

3. Vớt lưỡi lợn ra, ngâm vào âu nước đá sạch cho ngập, thêm vài lát chanh. Việc sốc nhiệt giúp cho lưỡi luộc được trắng giòn. Thêm chút nước cốt chanh tươi để giúp lưỡi thơm hơn. Khi thịt nguội vớt ra đặt vào rổ thưa cho ráo nước rồi thái miếng vừa ăn. 

chế biến lưỡi lợn

4. Làm nước chấm: Tùy theo khẩu vị có thể làm muối tiêu chanh đơn giản hoặc cầu kỳ hơn pha nước mắm chua ngọt chấm lưỡi lợn luộc đều ngon. Nước mắm chua ngọt pha tỷ lệ mắm 30 - 40 độ đạm cùng đường, chanh, nước lọc là 1:1:1:3, khuấy đều cho tan đường, nêm nếm lại cho vừa miệng rồi cuối cùng cho tỏi, ớt băm sẽ nổi lên đẹp mắt, hấp dẫn. 

nước chấm lưỡi lợn

5. Bày lưỡi lợn luộc thái mỏng ra mẹt hoặc đĩa, bên cạnh là mắm chua ngọt tỏi ớt, muối tiêu chanh và các loại rau thơm rửa sạch (húng quế, rau mùi, mùi tàu). 

trình bày lưỡi lợn

6. Yêu cầu thành phẩm: Từng miếng lưỡi lợn thái đều tay, khi ăn cảm nhận vị giòn sần sật, thơm mùi hành gừng. Món này chấm muối tiêu chanh hoặc mắm tỏi ớt thêm đôi nhánh rau thơm, nhâm nhi vào tiết trời mưa gió rất hợp.

 

Chú ý:

  • Chọn lưỡi lợn tươi ngon với các dấu hiệu như lưỡi dày, có màu hồng tươi sáng, phần cuống họng có màu trắng đều. Không mua lưỡi lợn bầm tím hoặc lở, có mùi lạ vì có thể để lâu ngày, ôi thiu.
  • Để có món lưỡi lợn luộc ngon cần sơ chế kỹ: Chà xát chanh, muối hạt, chần rồi cạo sạch lớp màng trắng, tiếp tục chà xát chanh muối hạt rửa sạch mới đem luộc chín. Khi luộc thêm chút nước mắm, gừng, hành nướng là bí quyết giúp khử mùi hiệu quả và giúp lưỡi heo thơm hơn.
  • Luộc lưỡi lợn hay thịt muốn ngọt ngon nên luộc từ nước sôi sẽ giúp phần thớ protein co lại, giữ được các chất dinh dưỡng bên trong không bị phân hủy khi nấu.
  • Ngoài món lưỡi luộc còn nhiều món ngon từ lưỡi lợn như: Lưỡi lợn khìa nước dừa, lưỡi lợn nấu cà ri, lưỡi lợn xào sả ớt, lưỡi lợn nướng, gỏi lưỡi lợn măng chua...
  • Lưỡi lợn thực chất là một bó cơ chứ không phải nội tạng. Lưỡi lợn chứa khoảng 70% axit béo và có hương vị mà nhiều người đánh giá ngon hơn thịt bò. Theo Đông y, lưỡi lợn giúp bổ thận tư âm, bổ dưỡng can huyết, nhuận táo, nhuận da. Lưỡi heo có ích cho người thể chất hư nhược do can thận âm hư gây nên, suy nhược sau khi ốm dậy... Tuy nhiên, vì chứa nhiều hàm lượng cholesterol nên những người cao huyết áp, bệnh tim mạch và gout không nên ăn nhiều.

Các bài viết khác

bàn samu, bàn ghế segis, bàn ăn, bàn sofa, bàn cà phê, bàn coffee, bàn bar, bàn quán ăn, bàn ghế ban công
bàn samu, bàn ghế segis, bàn ăn, bàn sofa, bàn cà phê, bàn coffee, bàn bar, bàn quán ăn, bàn ghế ban công
Từ 2.000.000₫
Bàn SAMU