Sau khi mất 3 tỉnh miền Đông của Nam Kỳ là Gia Định, Biên Hòa, Định Tường vào năm 1862, nhà vua của triều đình Huế lúc đó là Tự Đức đã rất trăn trở và muốn cử người sang Pháp để trực tiếp điều đình với Napoleon III.
Sứ bộ Đại Nam sang Pháp để xin chuộc đất có các ông Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản dẫn đầu phái đoàn 63 người. Có một giai thoại kể lại rằng sau chuyến đi đó, chánh sứ Phan Thanh Giản gói gọn cảm nghĩ vào 2 câu thơ: Từ ngày đi sứ tới Tây Kinh Thấy chuyện Âu Châu phải giật mình… Một trong những cái đã làm cho Phan Thanh Giản phải giật mình là việc “Bên Tây có cái đèn lộn ngược mà dầu không đổ, thắp lên sáng vô cùng”, ý nói về cái bóng đèn điện.
Tuy nhiên giai thoại này do dân gian chế ra để nói về sự văn minh của phương Tây chứ không có thật, vì cho dù đã một số phát minh về điện thắp sáng từ đầu thế kỷ 19, nhưng để ứng dụng một cách phổ biến thì phải nhờ đến phát minh của Edison, khi ông đưa cái sợi tóc được điện đốt cháy vào một cái bóng đèn thủy tinh cho an toàn thì đèn điện mới thực sự đến với công chúng. Đó là năm 1879, còn sứ bộ Đại Nam đến Pháp lần đầu là năm 1863. Đến năm 1894, Kinh lược Bắc Kỳ kiêm Tổng đốc Hà Nội lúc đó Nguyễn Trọng Hợp, sau chuyến thăm Pháp đã mô tả cây cầu bắc qua Sông Seine ở Paris bằng câu thơ đầy thán phục: “Bỗng ngờ sao rụng trên trời xuống Đèn sáng trời không biết có đêm”
Như vậy có nghĩa là chỉ 15 năm sau phát minh của Edison ở bên Mỹ thì đèn điện đã thắp sáng khắp các đường phố và kiến trúc của thủ đô hoa lệ Paris của nước Pháp, nơi được mệnh danh là kinh đô của ánh sáng. Năm 1881, nước Pháp đã tổ chức cuộc đấu xảo (triển lãm) về điện đầu tiên của nhân loại (Exposition internationale d’Électricité), với tâm điểm chính là ánh sáng điện và sức mạnh của điện khí trong đời sống công nghiệp và đô thị.
Rồi cũng chỉ 15 năm sau đó, điện đã được thắp sáng ở khắp xứ An Nam. Dù bóng đèn điện được phát minh ở nước Mỹ nhưng nước Pháp cũng được coi là một xứ sở của những phát minh về điện, và người Pháp đã đưa điện đến Việt Nam từ rất sớm, một phần là để phục vụ các đô thị nơi có ngày càng nhiều người Pháp sinh sống, nơi mà công cuộc khai thác thuộc địa đang được đẩy mạnh sau khi Liên bang Đông Dương được thành lập từ năm 1887.
Điện được ứng dụng sớm nhất ở Việt Nam trong lĩnh vực thông tin lạc của quân đội và chính quyền, còn việc sử dụng điện để thắp sáng thì được thực hiện sau đó, nhằm thay thế các loại đèn vốn thắp bằng dầu thực vật của bản địa, bằng đất đèn (acétylène), hoặc dầu hỏa (nhập từ Hoa Kỳ).
Ánh sáng điện được đưa tới Việt Nam đầu tiên dưới thời Toàn quyền De Lanessan (nhiệm kỳ 1891-1894), và nơi đầu tiên được điện thắp sáng tất nhiên là các đô thị lớn. Nhưng đó không phải là Sài Gòn – thủ đô của Liên bang Đông Dương thời điểm đó, vốn đã là thành phố thuộc địa từ những năm 60 của thế kỷ 19, cũng không phải là Hà Nội, đô thị lớn nhất Bắc kỳ và là thủ đô tương lai của Liên bang Đông Dương, mà lại chính là Hải Phòng, một đô thị mới, dù còn nhỏ nhưng lại có cảng biển lớn, gần nguồn than ở Quảng Yên (Quảng Ninh).
Hải Phòng chính là đô thị bàn đến việc xây nhà máy phát điện sớm nhất Việt Nam. Đốc lý thành phố cảng biển này đã ký với nhà thầu mang tên hai người là Hermentier và Planté một hợp đồng cam kết “tiến hành thiết kế và cung cấp điện cho thành phố Hải Phòng” vào ngày 12/4/1892, rồi nửa năm sau đó, cũng chính nhà thầu này đã ký với Đốc lý Hà Nội một hợp đồng ngày 6/12/1892, có nội dung tương tự.
Với Hà Nội, hợp đồng quy định sẽ “chiếu sáng cho tất cả các phố của Hà Nội, bao gồm khu vực giữa Bệnh viện Mới (là bệnh viện mang tên De Lanessan nằm ở Đồn Thủy, nay là Viện 108 và Hữu Nghị), khu dọc theo Sông Hồng, ở phố Jean Dupuis (Ô Quan Chưởng); phía Đông Thành cổ (nay là dọc Đường Thành – Phùng Hưng); phố Camps des Lettres (Tràng Tiền – Tràng Thi cho tới Cửa Nam); đại lộ Gambetta (nay là Trần Hưng Đạo) và phố Gia Long (nay là phố Bà Triệu)… theo thiết kế của Công ty Lục địa Édison (Société Continental Édison – là một công ty được các nhà đầu tư Pháp hợp tác với Thomas Édison thành lập ở Paris năm 1882, với mục tiêu tiếp thị hệ thống chiếu sáng điện và các thiết bị điện dựa trên bằng sáng chế của Edison).
Thực ra, trước khi có hệ thống điện thì đường phố Hà Nội đều đã được thắp sáng bằng đèn dầu, điều đó được thể hiện qua văn bản hợp đồng, có ghi rõ các bóng đèn điện sẽ được “đặt trên hệ thống cột và lồng đèn cũ vốn thắp sáng bằng dầu hỏa”.
Ngay từ năm 1865, thời điểm người Pháp quy hoạch thành phố Sài Gòn, giám đốc Nha Nội vụ (Directeur de l’Intérieur) Paulin Vial đã gửi đến thống đốc – tư lệnh quân viễn chinh là phó đô đốc De La Grandière một báo cáo với đề nghị thắp sáng các con đường tại Sài Gòn bằng loại đèn sử dụng dầu dừa (nhưng sau đó sử dụng dầu hỏa khi tiến hành thực hiện năm 1870). Đèn dầu cũng thắp sáng đường phố Hà Nội sau khi Pháp chính thức chiếm được thành phố này từ năm 1884.
Tuy nhiên, vùng đất Thăng Long cũ vốn đã tàn lụi bị sau khi không còn là kinh đô kể từ năm 1804, nên trừ những nơi là công sở, dân cư trong các phố phường từ lâu đã chấp nhận sống trong bóng tối trên những con phố vốn dễ cháy (nhiều tre nứa lá). Về chất lượng đèn điện thì hợp đồng quy định rõ “…đèn sử dụng là loại đèn có độ sáng 60 nến (bougies) thuộc hệ thống Edison-Swan, có gương phản chiếu, được cấp điện bằng dây đồng đặt trên sứ cách điện và đặt trên các cột sắt được sơn và có độ cao 6m. Lưới điện phải khép kín có 3 dây dẫn bảo đảm chiếu sáng toàn thành phố và đáp ứng các nhánh cấp điện cho đèn công cộng và tư gia… Nhà thầu được thanh toán 4 xu cho mỗi ngọn đèn thắp sáng mỗi đêm…”. Văn bản cũng quy định tiền phạt nhà thầu khi đèn không sáng.
Như vậy, có thể coi việc cấp điện chiếu sáng công cộng cho các đô thị là một sự thay đổi lớn cho Hải Phòng, nơi có điện sớm nhất được phát từ một nguồn máy có công suất 750 KW vào tháng 2-1894. Còn Hà Nội thì chậm hơn một năm, ban đầu dự kiến sẽ đón điện cùng lúc đón năm mới (1/1/1895), nhưng trễ hơn 4 ngày, Hà Nội đã được thắp sáng từ tổ máy phát có 500 KW bên Hồ Hòan Kiếm kể từ ngày 5/1/1895. Một điều ngẫu nhiên (hoặc có thể là cố ý) là những tổ máy ở cả Hải Phòng và Hà Nội đều nằm trên một con phố mang tên “Francis Garnier”, là viên sĩ quan Pháp đã chỉ huy các cuộc đánh chiếm mỏ than và các đô thị ở Bắc Kỳ. Con phố này ngày nay là phố Minh Khai ở Hải Phòng, và phố Đinh Tiên Hoàng ở Hà Nội.
Thời ban đầu, công xuất điện ở trạm phát của Hải Phòng lớn hơn ở Hà Nội. Nhưng sau đó, nhất là khi Hà Nội trở thành thủ đô của toàn Liên bang Đông Dương kể từ năm 1902, cũng là năm khánh thành Cầu Doumer (nay là cầu Long Biên) thì dân số và không gian đô thị Hà Nội đã tăng vọt, nên ngoài việc mở rộng quy mô thắp sáng rồi khai thác thương mại cho các nhu cầu tư gia, Hà Nội nhanh chóng xây dựng một tuyến giao thông nội thị bằng đường xe điện rất hiệu quả.
Lấy đầu mối trung tâm là Bờ Hồ (vòng xoay Đông Kinh Nghĩa Thục ngày nay), xe điện tỏa ra 5 tuyến tới các cửa ô và qua các chợ để ra tới ngoại thành. Về sau, nguồn điện được tăng cường bởi các nhà máy điện thế hệ mới được xây ở Cửa Cấm, Hải Phòng 4200 KW, còn Hà Nội ở Yên Phụ là 7500 KW.
Trễ hơn Hải Phòng và Hà Nội đúng 1 năm, các cây đèn dầu trên đường phố Sài Gòn cũng bắt đầu được điện khí hóa. Vào năm 1896, công ty điện lực Sài Gòn – Société d’Électricité de Saigon (SEVS) được thành lập để cung cấp điện cho Sài Gòn. Cũng trong năm đó, công ty đã khai trương trạm phát điện xoay chiều đầu tiên trên đường Nationale (nay là đường Hai Bà Trưng). Vị trí này năm 1967 là trụ sở công ty Sài Gòn Điện Lực, rồi từ 1976 là trụ sở của Công ty Điện lực TpHCM tại số 72 Hai Bà Trưng.
Tuy vậy, việc thay thế bóng đèn dầu trên được phố bằng bóng đèn điện đã được Hội đồng thành phố Sài Gòn đưa ra bàn thảo từ rất sớm, chỉ 10 năm sau khi bóng đèn điện được Edison phát minh ra đầu tiên. Đó là khoảng đầu năm 1889, một người Âu tên Ferret xin thắp sáng đường phố Sài Gòn và các kiến trúc lớn bằng đèn điện với chi phí hằng năm 150.000 francs, độc quyền khai thác trong 30 năm.
Tuy nhiên, đề xuất của Ferret đã không thành hiện thực khi chính quyền Pháp tại Sài Gòn nhận thấy những bóng đèn thắp sáng thử trên đường Catinat lúc đó không sáng bằng đèn dầu lửa.
Phải đợi đến bốn năm sau, trong phiên họp ngày 20/4/1893, Hội đồng thành phố Sài Gòn mới tiếp tục bàn về đề xuất của một người Âu tên Catoire, theo đó khu trung tâm Sài Gòn sẽ được thắp sáng bằng 393 bóng đèn điện của Edison, độ sáng mỗi bóng bằng 16 nến (bougie). Những khu vực khác trong thành phố vẫn sử dụng 571 đèn dầu hỏa kiểu hiện đại. Tuy cũng là bóng đèn 16 nến, song là bóng hiệu Edison nên độ sáng có thể nhiều hơn loại bóng đèn mà Ferret đã thắp thử. Catoire đề nghị một hợp đồng kéo dài 20 năm, với một kinh phí hằng năm được chính quyền trả cho nhà thầu bằng 88.093 franc. Tuy nhiên, trong phiên họp trên, hội đồng thành phố không chấp thuận đề xuất của Catoire do chi phí cao hơn 16.000 đồng so với chi phí hiện hành (bằng đèn dầu hỏa), mà ánh sáng do đèn điện cung cấp cũng không mạnh hơn đèn dầu.
Cuối cùng, Hội đồng thành phố Sài Gòn chấp thuận việc ký hợp đồng ngày 11/5/1896 với Công ty Thủy điện Sài Gòn (Société des Eaux et d’Electricité de Saigon) của Hermenier, cũng là người đã ký hợp đồng cung cấp bóng đèn điện ở Hải Phòng và Hà Nội như đã nói bên trên. Trong phiên họp ngày 24-2-1897, hội đồng chấp thuận đề nghị của công ty thay thế 380 đèn có độ sáng khác nhau bằng 394 đèn loại nóng sáng (lampe à incandescence) với độ sáng 20 nến. Vào những năm đầu thế kỷ 20, thành phố Sài Gòn đã bắt đầu có đèn điện sáng choang. Đường Catinat được tác giả Nguyễn Liên Phong miêu tả vào ban đêm: Phong lưu cách điệu ai bằng, Đường đi trơn láng, đèn giăng sáng lòa.
Năm 1908, toàn thành phố Sài Gòn có 867 bóng điện nóng sáng 16 nến và 67 bóng đèn hồ quang (lampe à arc). Riêng đèn nóng sáng nhiều hơn gấp đôi số lượng năm 1904 (386 bóng). Điều này cho thấy sự điện khí hóa việc thắp sáng đường phố Sài Gòn đã phát triển rất nhanh. Về sau, khi Sài Gòn đã trở thành một thành phố đông dân nhất nước thì cũng thành nơi có ánh đèn điện nhiều hơn tất cả, với Nhà máy điện Chợ Quán được xây năm 1922. Có thể thấy, người Pháp đã mang điện tới vùng Viễn Đông nhằm làm tăng tốc công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân, nhưng đồng thời cũng mang lại sự tiện nghi cho các đô thị ở thuộc địa.
Một bài hát “xẩm tàu điện” ở Hà Nội đã khái quát sự thay đổi ấy: “Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài Sinh ra đèn máy thắp hoài năm canh Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường”
chuyenxua.net biên soạn
Dựa theo bài viết của nhà sử học Dương Trung Quốc