Phú Quốc vốn nổi tiếng với những bãi biển cát trắng trải dài cùng các hòn đảo nhỏ yên bình, hoang sơ giữa bốn bề sóng vỗ. Với vẻ đẹp tự nhiên ấy, Phú Quốc từ lâu đã là điểm đến ưa thích của nhiều du khách.
Cùng với đó, những resort, tổ hợp vui chơi giải trí lớn liên tục được xây dựng trên đảo. Nhưng rồi khi những sự tò mò, háo hức được mang lại bởi những công trình hiện đại qua đi, niềm khát khao tìm về với thiên nhiên trở lại, chúng tôi đến Đảo Ngọc để mong trở về với tự nhiên trong trẻo và hồn nhiên như những đứa trẻ.
Khi chúng tôi đưa ra yêu cầu ấy với anh bạn người bản địa, mắt anh chàng sáng lên: “Vào rừng tắm suối nhé? Rồi các bạn sẽ thấy, Phú Quốc không chỉ có bãi biển, resort và các công viên. Thiên nhiên Đảo Ngọc còn nhiều điều kỳ thú lắm”. Vậy là chúng tôi vào rừng lội suối Đá Bàn – con suối nổi tiếng bậc nhất ở đảo Phú Quốc.
Suối Đá Bàn (xã Cửa Dương, thành phố Phú Quốc) nằm ở vị trí gần trung tâm hòn đảo, chảy từ trên núi Đá Bạc, một ngọn núi trong dãy Hàm Ninh – dãy núi dài và cao nhất trên đảo – xuống hồ Dương Đông, hồ nước ngọt lớn nhất Phú Quốc, đồng thời là nguồn cung cấp nước ngọt cho thành phố này. Con suối này khác với hầu hết những con suối khác ở chỗ dòng nước mát lạnh từ trên núi chảy xuống, qua hàng loạt các tảng đá lớn bằng phẳng như mặt bàn, thoải dần từ trên cao xuống, có lẽ vì vậy được gọi là suối Đá Bàn.
Suối Đá Bàn cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 10km, nên chúng tôi ăn sáng, cafe trong phố chờ nắng lên mới xuất phát. Xe chạy vòng vèo trên những con đường nhỏ ra ngoại ô và dừng lại trước cổng Khu du lịch sinh thái Suối Đá Bàn, chúng tôi bắt đầu hành trình trekking ngắn. Những “công trình” nhân tạo ít ỏi ở suối Đá Bàn chỉ gồm chiếc cầu treo và mấy chiếc lán đơn giản được dựng tạm trên lòng suối, tại những tảng đá phẳng và lớn ngay cạnh cầu treo để du khách dừng chân chốc lát.
Chúng tôi vượt qua chiếc cầu treo dây văng cũ kỹ với những tấm ván gác ngang làm sàn, đung đưa theo từng bước chân của người đi. Qua khỏi cây cầu là chui vào rừng cây với tán lá xanh mát phủ kín trên cao, thỉnh thoảng những cơn gió xô dạt lá rừng để ánh nắng xuyên xuống, nhảy nhót trên con đường mòn chằng chịt rễ cây. Đi bộ trong rừng, dưới nắng thật dễ chịu bởi nồng độ oxy trong không khí ở đây cao hơn hẳn những nơi khác. Tôi hít căng lồng ngực luồng không khí trong lành, mát rượi và hứng khởi sải bước, tiếng suối chảy ào ào trên đá đã ở rất gần.
Sau hơn 20 phút len lỏi dưới tán cây rừng, con đường mòn dẫn chúng tôi đến bên dòng suối. Không gian thoáng đãng mở ra trước mắt, dòng nước bạc khá mỏng dàn rộng trên lòng suối, được tạo bởi các dải đá rất bằng phẳng, vừa dài vừa rộng. Điểm đặc biệt khiến con suối này không giống bất cứ con suối nào tôi đã gặp là lòng suối trải phẳng và không có bờ suối như những con suối khác. Lòng suối là những khối đá màu nâu đỏ dài, rộng, phẳng, có những đoạn lòng suối gần như nằm ngang, có những đoạn đá bàn nằm thoai thoải, lại có những đoạn các mặt đá phẳng nằm song song, cao thấp chênh nhau cả mét, tạo ra những ghềnh nho nhỏ với màn nước trắng xóa ào ạt chảy.
Các “bàn” đá rộng và phẳng nhưng bề mặt khá nhám chứ không phẳng lì, bởi vậy đi lại dưới lòng suối rất an toàn. Những đôi chân khám phá lập tức ào xuống dòng nước mát của núi rừng. Tán cây rừng chờm cả vào lòng suối, tạo ra 2 hành lang mát rượi cho những người muốn ngâm chân thư giãn trong dòng nước chảy, cũng là nơi dễ dàng trải bạt, bày đồ ăn để nạp năng lượng sau thời gian lội suối.
Thiên nhiên xanh thật diệu kì khiến người ta trở nên khỏe khoắn, trẻ trung và đầy hứng khởi. Chúng tôi khoan thai hưởng thụ thiên nhiên tinh khiết, say sưa với những trò nghịch nước như lúc còn thơ. Chiều hôm ấy, con suối Đá Bàn đầy ắp những tiếng cười giòn tan hòa lẫn vào tiếng lá rừng xào xạc và tiếng nước chảy rì rào!
Nguồn: Heritage Vietnamairlines