Tổng quan về Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng
Về vị trí địa lý, Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng Di sản thiên nhiên thế giới có tọa độ từ 17°21′ tới 17°39′ vĩ bắc và từ 105°57′ tới 106°24′ kinh đông, nằm trong địa bàn các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch và thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cửa động Phong Nha – Kẻ Bàng có tọa độ 17°34’54.15″B và 106°16’58.83″T.”). Diện tích Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng là 123.326 ha, gồm 03 phân khu: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (100.296 ha), phân khu phục hồi sinh thái (19.619 ha), phân khu hành chính dịch vụ (3.411 ha). Đặc biệt phải kể đến 7 cái nhất của Phong Nha – Kẻ Bàng: Cửa hang cao và rộng nhất, bãi cát đá ngầm đẹp nhất, sông ngầm đẹp nhất, hồ nước ngầm đẹp nhất, thạch nhũ kỳ ảo và tráng lệ nhất, hang khô rộng và đẹp nhất, hang nước dài nhất.
Vào năm 2003, UNESCO công nhận Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Phong Nha – Ke Bang National Park) là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo và vào 3/7/2015 tiếp tục được UNESCO công nhận lần thứ 2 là Di sản thiên nhiên thế giới dựa theo tiêu chí đa dạng sinh học.
Bản đồ Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng
Vì sao có tên Phong Nha – Kẻ Bàng?
Khi còn là Khu bảo tồn Xuân Sơn, người ta chỉ nghĩ đến việc bảo tồn một khu vực có mật độ đa dạng sinh học cao nằm trong phạm vi 5000 ha thuộc quản lý Nhà nước của Bộ Lâm nghiệp (sau này là Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn). Cơ quan trực tiếp nghiên cứu tài nguyên đa dạng sinh học là Viện Quy hoạch Lâm nghiệp – Trung tâm tài nguyên môi trường rừng. Trong phạm vi Khu bảo tồn có Động Phong Nha chứa đựng cả yếu tố cảnh quan và di sản văn hóa tiền sử của người Việt và Văn hóa Chăm nên từ thời Pháp đã có khách du lịch. Giai đoạn này, lĩnh vực du lịch giao cho Sở Văn hóa Thông tin quản lý.
Thực hiện chức năng quản lý, năm 1995 Sở Văn hóa Thông tin tổ chức Hội thảo quốc gia về phát huy giá trị tự nhiên và văn hóa Khu bảo tồn Xuân Sơn, có sự tham dự của đại diện UNESCO. Tại hội thảo đó, Phó tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái có trình bày một tham luận mang tên: “Một cách nhìn mở rộng về Khu bảo tồn Xuân Sơn và Đề xuất mang tên mở rộng là “Phong Nha – Kẻ Bàng” cho việc hình thành vườn quốc gia sau này.
Ý nghĩa tên gọi của Phong Nha – Kẻ Bàng
Vườn Quốc Gia phải đảm bảo diện tích đủ lớn để thỏa mãn tiêu chí “Tính toàn vẹn của di sản”, nghĩa là bao trọn hết các giá trị di sản để bảo vệ trọn vẹn thì UNESCO mới công nhận. Trong khi đó, mở rộng diện tích ra 147.000 ha vùng lõi và 200.000 ha vùng đệm thì bao chiếm cả địa bàn Bố Trạch, Minh Hóa, một rẻo của Quảng Trạch và Quảng Ninh, Đồng Hới thì việc dùng tên gọi nào cho Vườn Quốc Gia cũng khó dung hoà hết. Vì thế Ông Nguyễn Khắc Thái đã đề xuất lấy một địa danh chỉ vùng núi phía Tây Bắc Quảng Bình là “Kẻ Bàng” làm tên gọi.
Kẻ bàng là tên của một ngôi làng cổ. Ngày xưa, làng cổ đều có tên có hai quản từ đứng đầu, hoặc là “kẻ”, hoặc là “Cổ” (Như Cổ Giang, Cổ Lạc, “Kẻ Sót”…). Ngôi làng này sau đó không còn và người dân vùng này dùng tên đó để gọi vùng núi trên đó chung chung là Kẻ Bàng.
Còn vì sao gắn Phong Nha vào? Vì Phong Nha tuy là một làng nhỏ nhưng danh tiếng Động Phong Nha có từ thời Pháp trong khi Kẻ bàng thì chưa ai biết. Vậy nên gắn một địa danh nổi tiếng cho mọi người biết.
Lịch sử Phong Nha – Kẻ Bàng
Hệ thống hang động tại khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng hình thành do những kiến tạo của địa chất xảy ra trong lòng dãy núi đá vôi Kẻ Bàng. Cụ thể, kiến tạo các-xtơ của Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng được hình thành từ 400 triệu năm trước, từ thời kỳ Đại Cổ Sinh do đó đây là cát-xtơ cổ nhất ở châu Á. Qua các thời kỳ kiến tạo quan trọng, các pha chuyển động đứt gãy, uốn nếp và phối tảng đã liên tiếp tạo ra các dãy núi trùng điệp do chuyển động nâng cao và các bồn trầm tích nhờ vào chuyển động sụt lún, đóng vai trò như nguyên nhân của mọi nguyên nhân tạo ra tính đa dạng về địa hình – địa mạo, địa chất, mạng lưới thủy văn và tính kỳ thú, đa dạng về hang động đối với các thành hệ đá vôi Phong Nha – Kẻ Bàng phát triển từ Devon đến kỷ Carbon – Trecmi.
Khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng của hiện tại là kết quả tổng hợp 5 giai đoạn lớn trong lịch sử phát triển vỏ Trái Đất trong khu vực:
- Giai đoạn Kỷ Ordovic muộn – giai đoạn Siluri đầu (450 triệu năm)
- Giai đoạn Kỷ Devon giữa và muộn (khoảng 340 triệu năm)
- Kỷ Than đá – Kỷ Permi (300 triệu năm)
- Giai đoạn Orogen
- Giai đoạn Đại Tân sinh (250-65 triệu năm)
Nguyên nhân ban đầu có thể kể đến là sự hoạt động trồi lên của các khối xâm nhập núi lửa trẻ hơn đá vôi. Các khối cùng với việc nâng lớp đá vôi lên cao như ngày nay còn làm phát sinh động đất, đứt gãy và núi lửa. Tại giao điểm của các đứt gãy hoặc các đới đứt gãy lớn và núi lửa phun lên sẽ biến chất đá vôi, biến đá vôi thành vôi sống (CaO) dễ hoà tan trong nước, đồng thời mang vào các khe nứt, đứt gãy của đá vôi dăm, cuội, dung nham núi lửa và nước ngầm. Dung nham này ở trong môi trường nước sẽ bị biến thành bùn, sét – kaolin mềm nhão dễ bị tác động bởi nước cuốn trôi hoặc lắng chìm vào các khe nứt và lỗ hổng do mật độ nặng hơn đá vôi từ 0,3 – 0,4 g/cm3. Nước đã đóng vai trò dọn dẹp bên trong lòng hang, các thung lũng giữa núi đá vôi (cuốn trôi bùn, vôi sống, bùn, sét – kaolin) và tạo thành thạch nhũ cho chúng ta thấy như ngày nay.
Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng tiền thân là khu rừng đặc dụng Xuân Sơn được thành lập theo Quyết định số 194/CT ngày 09/8/1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (hiện nay là Thủ tướng Chính phủ) Quyết định thành lập Khu Văn hóa Lịch sử với tổng diện tích là 5.000 ha. Xuân Sơn là khu rừng đặc dụng đầu tiên của Quảng Bình nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng nguyên sinh trên núi đá vôi, đồng thời gắn liền với các di tích lịch sử của dân tộc Việt Nam.
- Năm 1993: Khu rừng đặc dụng Xuân Sơn được đổi thành Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha theo Quyết định 964/QĐ-UB ngày 05/12/1993 của UBND tỉnh Quảng Bình với diện tích tổng là 41.132 ha.
- Năm 1999: Vườn Quốc Gia được đầu tư đề xuất mở rộng khu vực bao gồm vùng núi đá vôi Kẻ Bàng cho đến phía tây bắc và đề xuất để điều chỉnh phân hạng quản lý từ khu bảo tồn thiên nhiên lên Vườn Quốc Gia.
- Năm 2001: Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng được thành lập theo Quyết định 189/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/12/2001. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Vườn Quốc Gia có diện tích tổng là 85.754 ha, trong đó Phân khu Bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích là 64.894 ha, Phân khu Phục hồi sinh thái diện tích là 17.449 ha và Phân khu Hành chính dịch vụ có diện tích là 3.411 ha. Sau khi điều chỉnh lên Vườn Quốc Gia, tổ chức bộ máy Ban Quản lý Khu bảo tồn cũng đã được điều chỉnh lại thành Ban Quản lý Vườn Quốc Gia theo Quyết định 24/QD-UB của UBND tỉnh Quảng Bình ngày 20/3/2002.
- Năm 2003: Tại cuộc họp toàn thể lần thứ 27 của Uỷ ban Di sản Thế giới tại Trụ sở UNESCO (Paris) từ 30/6 – 05/7/2003, UNESCO chính thức công nhận VQG Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí số VIII: là các giá trị địa chất, địa mạo và địa lý nổi bật toàn cầu.
- Năm 2009: VQG Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định 1272/QĐ-TTg 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
- Năm 2012: UBND Quảng Bình ban hành Quyết định số 36/2012/QĐ-UBND ngày 28/12/2012 về việc Quy định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (thay thế Quyết định 65/2003/QĐ-UB 28/11/2003 UBND Quảng Bình về việc tổ chức lại bộ máy Ban quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng).
- Năm 2013: Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 05/7/2013 về việc điều chỉnh ranh giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng từ 85.754 ha lên tổng diện tích là 123.326 ha (tăng 30.570 ha).
- Năm 2015: Kỳ họp lần thứ 39 diễn ra vào ngày 3/7/2015, tại Bonn, Cộng Hòa Liên Bang Đức, với sự nhất trí của các quốc gia thành viên Ủy ban di sản thế giới (WHC), VQG Phong Nha – Kẻ Bàng đã được các Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) lần thứ 2 ghi danh vào Danh sách Di sản thế giới với 2 tiêu chí mới: Có giá trị nổi bật đại diện cho tiến trình sinh thái trong tiến hóa và phát triển các hệ sinh thái trên cạn (tiêu chí IX); Sở hữu môi trường sống tự nhiên có ý nghĩa nhất với việc bảo tồn đa dạng sinh học (tiêu chí X).
Vì sao phải là Vườn Quốc Gia?
Giá trị ban đầu được xác định đối với Khu bảo tồn Xuân Sơn là đa dạng sinh học. Tuy nhiên, hệ sinh thái đa dạng này không bó hẹp trong 5000 ha, kể cả mở rộng 41.000 ha mà quần thể này có khu vực sinh thái rộng lớn chiếm cả hai bên Đông – Tây Trường Sơn gồm 400.000 ha, trong đó phía Quảng Bình là 200.000 và phía Khăm Muộn là 200.000. Các sinh vật có khu vực sinh sống, tìm kiếm thức ăn (động vật) và lan tỏa nguồn gen (thực vật) ra toàn bộ vùng đó, nên nếu chỉ bó hẹp khu vực Xuân Sơn, các khu vực còn lại không phải khu bảo tồn sẽ bị khai thác, đa dạng sinh học sẽ bị giảm dần. Vì thế phải mở rộng cho hết phần không gian mà nguồn gen tồn tại.
Vượt ra ngoài phạm vi Khu bảo tồn Xuân Sơn còn có 2 giá trị khác mà Khu Bảo tồn này không thể bảo vệ và khai thác, đó là giá trị địa chất, địa mạo đặc trưng karst và giá trị cảnh quan (hệ thống hang động và cảnh quan sinh thái rừng). Hai giá trị đó nằm từ trong và vượt ra ngoài khu vực 41.000 ha. Vì thế cần mở rộng.
Với 3 giá trị lớn, có ý nghĩa toàn cầu như vậy mà cấp độ “KHU BẢO TỒN” không đủ chế tài hành chính, chức năng, nhiệm vụ để quản lý, do vậy phải nâng lên Vườn Quốc gia.
Hệ thống hang động của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng
Hệ thống động Phong Nha có tổng chiều dài trên 45km bắt nguồn từ phía nam vùng núi đá vôi Kẻ Bàng. Cửa chính của hệ thống này là Hang Én và Hang Khe Ry nằm ở độ cao khoảng 300m so với mặt nước biển, cuối cùng là Động Phong Nha có tổng chiều dài khoảng gần 45 km. Các hang trong hệ thống này phân bố theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, chạy theo dạng cành cây, bao gồm các hang:
- Hang Tối: nằm trên thượng lưu sông Son với chiều dài 5.258 m và cao 83 m, dài 736 m.
- Hang Trạ An: dài 667m và cao 15 m.
- Hang Thung: hang có sông ngầm chảy dài 3351m.
- Hang Én: Dài 1.6km và có những đoạn vòm hang cao đến 140m và rộng gần 200m; có bãi cát dài và hồ nước bên trong, là nơi sinh sống của loài chim Én
- Hang Khe Tiên: dài 520m, nằm về hướng phía Nam Phong Nha.
- Hang Khe Ry: nằm về hướng phía Nam Phong Nha.
- Hang Khe Thi.
Hệ thống động Vòm
- Hang Vòm: dài 15,05km, cao 145m, có nhiều thạch nhũ đẹp.
- Hang Đại Cáo: dài 1645 m và cao 28 m.
- Hang Duột: dài 3,927m, cao 45m, hang có bãi cát mịn.
- Hang Cá: dài 1,500 m cao 62m.
- Hang Hổ: dài 1,616 m và cao 46m.
- Hang Over: dài 3,244 m và cao 103 vời chiều rộng trong khoảng 30–50m.
- Hang Pygmy: dài 845 m.
- Hang Rục Cà Roòng: Nơi sinh sống của người thiểu số Arem sống trong hang động và săn bắn hái lượm tự nhiên.
Công tác bảo tồn
Nhằm tăng cường công tác quản lý và bảo tồn bền vững các giá trị địa chất – địa mạo, hệ sinh thái và động, thực vật bị đe dọa toàn cầu trong khu di sản Phong Nha – Kẻ Bàng; đồng thời phát triển du lịch sinh thái bền vững và góp phần nâng cao các lợi ích kinh tế, hiện một số công tác bảo tồn đã và đang được triển khai như:
- Phổ biến, tuyên truyền pháp luật và nâng cao nhận thức: Lồng ghép vào các buổi sinh hoạt tập thể thôn/bản; duy trì hoạt động các câu lạc bộ bảo tồn ở tại cơ sở; phát tài liệu và ấn phẩm truyền thông, đặt pano tuyên truyền quảng bá; tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại trường học thuộc vùng đệm; tập huấn kỹ năng truyền thông, bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng tác viên ở các xã và giáo viên các trường trung học vùng đệm; tổ chức hội nghị các cấp tuyên truyền về bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ rừng Phong Nha – Kẻ Bàng và công tác quản lý… Bên cạnh đó, các đơn vị khai thác du lịch cũng tiến hành đánh giá tác động môi trường và quan trắc môi trường theo đúng quy định; lập kế hoạch thu gom và xử lý rác thải tại các tuyến điểm du lịch.
- Tuần tra, xử lý vi phạm: Tăng cường phát hiện, xử lý các hành vi xâm hại đến đa dạng sinh học, nhằm ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên và giảm thiểu tối đa các mối đe dọa khác đến đa dạng sinh học của VQG, như khai thác gỗ, săn bắt động vật hoang dã, xâm nhập trái phép vào rừng, xây dựng lán trại…
- Công tác bảo tồn và phối hợp trong bảo tồn đa dạng sinh học: Triển khai, thực hiện nhiều đề tài, công trình nghiên cứu về đa dạng sinh học, nhằm tạo tiền đề để đưa ra các giải pháp phục vụ công tác bảo tồn, phát triển hệ sinh thái. Bên cạnh đó, các cơ quan ban ngành đã ký kết nhiều quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng, vận chuyển buôn bán lâm sản trái phép, đấu tranh phòng chống các hình thức buôn lậu qua biên giới.
- Cứu hộ động vật hoang dã: Ngoài việc tiếp nhận, cứu hộ hàng nghìn cá thể động vật hoang dã (trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm như như voọc Hà Tĩnh, chà vá chân nâu, cầy vòi hương, vượn siki, tê tê, cu li nhỏ, khỉ cộc, khỉ vàng, rùa, trăn…) và thả về môi trường tự nhiên. Nơi đây còn thu thập, bổ sung, chỉnh lý các mẫu thuộc 169 loài thực vật làm mẫu tiêu bản, phục vụ công tác trưng bày và diễn giải tại Vườn Thực Vật.
Giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha – Kẻ Bàng
1. Địa chất – Địa mạo
Khu vực này chứa đựng các bằng chứng về lịch sử hình thành, kiến tạo của vỏ Trái đất với 5 quá trình kiến tạo từ Kỷ Ordovic đến Carbon – Permi. Phong Nha – Kẻ Bàng là 1 phần của cao nguyên rộng lớn bị chia cắt, bao gồm khu vực núi đá vôi Kẻ Bàng và VQG Hin Namno của Lào. Cao nguyên này là một ví dụ điển hình, mang nét đặc trưng nhất của dạng địa hình núi đá vôi phức hợp ở Đông Nam Á. Kiến tạo núi đá vôi được hình thành từ thời kỳ Đại Cổ sinh (cách đây hơn 400 triệu năm) và là khu vực núi đá vôi lớn, cổ nhất ở khu vực châu Á. Nơi đây có hai kiểu địa hình chính, bao gồm địa hình karst và phi karst. Đặc điểm của Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng là diện tích vùng lõi phần lớn là núi đá vôi (địa hình karst, chiếm 2/3 diện tích). Được mệnh danh là “Vương quốc hang động”, Phong Nha – Kẻ Bàng có hơn 368 hang động với tổng chiều dài trên 231km đã được khảo sát. Trong đó, Hang Sơn Đoòng được Đội thám hiểm hang động Anh – Việt (The British Vietnam Caving Expedition Team) đánh giá là hang động lớn nhất thế giới, đồng thời đã phát hiện một hố sụt Karst sâu nhất Việt Nam (với độ sâu hơn 255 m), thậm chí có thể sâu nhất Đông Nam Á.
2. Hệ sinh thái
Phong Nha – Kẻ Bàng sở hữu 15 kiểu sinh cảnh với 10 kiểu thảm thực vật quan trọng. Rừng kín thường xanh che phủ 93,5% diện tích, trong đó, trên 90% diện tích VQG là hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình hiếm có còn sót lại mà hầu hết chưa bị tác động. Đây là một trong những VQG có tỷ lệ rừng nguyên sinh và độ che phủ lớn nhất trong hệ thống các rừng đặc dụng ở Việt Nam. Đặc biệt, sự tồn tại của quần thể Bách xanh đá 500 tuổi, diện tích khoảng 4.000 ha, mọc chủ yếu trên núi đá vôi ở độ cao hơn 600 m, được xem là sinh cảnh rừng độc đáo nhất, có tầm quan trọng toàn cầu và giá trị bảo tồn. Bách xanh đá là loài thực vật cổ và đặc hữu của Việt Nam, hiện chỉ còn sót lại chủ yếu ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
3. Đa dạng động vật
Nơi đây có 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 68 bộ, 12 lớp, 4 ngành, trong đó có 82 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam; 116 loài được liệt vào Sách đỏ IUCN; 39 loài được ghi trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP; 66 loài có tên các phụ lục CITES. Ngoài ra, trong khoảng 20 năm qua, đã có thêm 42 loài mới lần lượt được ghi nhận và công bố trên toàn thế giới, bao gồm 38 loài động vật và 4 loài thực vật.
4. Đa dạng thực vật
Nơi đây ghi nhận 2.952 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 1.007 chi, 198 họ, 63 bộ, 12 lớp, 6 ngành, trong đó có 111 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam; 121 loài được ghi trong Sách đỏ IUCN; 3 loài có tên trong Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ.
5. Di sản văn hóa – lịch sử
- Trong Động Phong Nha có dấu tích những bàn thờ của người Chăm thờ Thần giữ động cùng một pho tượng Chăm bằng đá bị đổ vỡ từ lâu.
- Trong hang Rào ở Đông Nam Rào Té, một chi lưu sông Troóc có nhiều vỏ ốc núi và ốc nước ngọt đổ đống lẫn với mai rùa, xương thú. Đó là dấu tích từ những bữa ăn của người Quảng Bình cổ xưa.
- Trong hang Khe Tong ở hữu ngạn Khe Gát, tầng văn hoá có chứa các công cụ làm từ đá, có nhiều vết ghè đẽo, vỏ ốc, xương thú và đồ gốm vỡ. Đồ gốm ở đây có hoa văn hình sóng nước và dấu thừng điều đó chứng tỏ người Quảng Bình cổ đã có sự văn minh khá cao.
Hoạt động của Ban Quản lý VQG Phong Nha – Kẻ Bàng
Hiện Ban Quản lý có các phòng ban và các cơ quan trực thuộc với chức giúp việc cho ban lãnh đạo:
1. Phòng Tổ Chức – Hành Chính
Phòng Tổ chức – Hành chính có chức năng tham mưu, hỗ trợ Giám đốc Ban Quản lý Vườn về công tác tổ chức cán bộ, công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật, chế độ và chính sách đối với công viên chức và người lao động; công tác hành chính, công tác kế toán, huấn luyện dân quân tự vệ, quản trị khác.
2. Phòng Kế Hoạch – Tài Chính
Phòng Kế hoạch – Tài chính có chức năng tham mưu, hỗ trợ Giám đốc Ban Quản lý Vườn thực hiện nhiệm vụ vềcác lĩnh vực: Lập và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị của Vườn Quốc gia; quản lý hoạt động du lịch diễn ra trong Vườn Quốc gia; đầu tư xây dựng và trang bị cơ sở vật chất, thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong Vườn Quốc gia theo đúng quy định của pháp luật.
3. Phòng Khoa Học Hợp Tác Quốc Tế
Có chức năng tham mưu, hỗ trợ Giám đốc Ban Quản lý Vườn thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin, chuyển giao các quy trình kỹ thuật và hợp tác cùng các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường, địa chất, địa mạo, thủy văn, di tích lịch sử, văn hóa và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên trong phạm vi hoạt động của Vườn.
4. Trung Tâm Du Lịch Phong Nha – Kẻ Bàng
Đây là đơn vị sự nghiệp trực thuộc ban quản lý VQG Phong Nha- Kẻ Bàng. Chức năng: Tổ chức khai thác và quản lý hoạt động du lịch, dịch vụ du lịch tại các tuyến, điểm du lịch, bao gồm: Động Phong Nha, Động Tiên Sơn, Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Trường Sơn Đường 20 Quyết Thắng (hang Tám Cô), Hang Y tá, Suối Nước Moọc, Sông Chày – Hang Tối và các tuyến, điểm du lịch khác được Giám đốc Ban Quản lý Vườn giao.
5. Trung Tâm Cứu Hộ, Bảo Tồn và Phát Triển Sinh Vật
Có chức năng tham mưu, giúp Giám đốc Ban Quản lý Vườn các hoạt động cứu hộ, bảo tồn, phát triển sinh vật và giáo dục môi trường. Giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng địa phương, du khách và các đối tượng khác khi đến tham quan, học tập và nghiên cứu tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Bên cạnh đó, đơn vị này còn tổ chức tiếp nhận, cứu hộ các loài sinh vật bản địa hoặc các loài phù hợp với sinh cảnh tự nhiên của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng hoặc các loài được phép nghiên cứu khoa học nằm trong đề tài do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, tịch thu từ các vụ vi phạm pháp luật hoặc tự nguyện giao nộp của các tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, trung tâm này còn nuôi cứu hộ, nuôi bán hoang dã các loài động vật hoang dã nhằm tái thả về với môi trường tự nhiên và phục vụ nghiên cứu khoa học. Đồng thời tái thả những sinh vật đủ điều kiện thả về với môi trường sống tự nhiên sau khi được cứu hộ tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Chuyển giao cho các cơ sở cứu hộ khác trên cả nước đối với những cá thể sinh vật mà Trung tâm không có đủ điều kiện cứu hộ hoặc không phù hợp với môi trường tự nhiên của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
6. Hạt Kiểm Lâm
Bao gồm các chức năng: Tổ chức bảo vệ tài nguyên rừng, chống chặt phá rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng, trừ các loại sâu bệnh hại rừng trong lâm phận VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. Tiến hành kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật. Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị chức năng khác đóng trên địa bàn nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động người dân tham gia công tác bảo vệ rừng; kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi lại của người dân và các phương tiện trên địa bàn do Hạt quản lý; phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tài nguyên thiên nhiên của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng
- Vị trí: thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình, miền Trung Việt Nam; với tọa độ địa lý: 17021’12” đến 7044’51” vĩ độ Bắc; 105046’33” đến 106023’33” kinh độ Đông.
- Diện tích: 123.326 ha, gồm 03 phân khu: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (100.296 ha); phân khu phục hồi sinh thái (19.619 ha); phân khu hành chính dịch vụ (3.411 ha).
- Vùng đệm có diện tích 219.855,34 ha thuộc 13 xã (gồm các xã Dân Hóa, Hóa Sơn, Trung Hóa, Thượng Hóa, Trọng Hóa thuộc địa bàn huyện Minh Hóa; các xã Tân Trạch, Thượng Trạch, Xuân Trạch, Phúc Trạch, thị trấn Phong Nha (trước là xã Sơn Trạch), xã Phú Định, xã Hưng Trạch thuộc địa bàn huyện Bố Trạch và xã Trường Sơn thuộc địa bàn huyện Quảng Ninh).
- Xếp hạng UNESCO: Di sản Thiên nhiên Thế giới; tiêu chí (viii) địa chất, địa mạo (2003); tiêu chí (ix) hệ sinh thái và (x) Đa dạng sinh học (2015).
- Xếp hạng quốc gia: Di tích Quốc gia đặc biệt (vào năm 2009).
-
Địa chất – địa mạo:
Phong Nha – Kẻ Bàng được giới chuyên môn đánh giá như một bảo tàng địa chất khổng lồ có nhiều giá trị hiếm có và mang ý nghĩa toàn cầu, với đa phần diện tích là đá vôi. Vườn Quốc gia này liên kết khu bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Hin Namno thuộc tỉnh tỉnh Khăm Muộn, CHDCND Lào, tạo thành khối Karst rộng lớn tại khu vực Đông Nam Châu Á.
Khu vực này ngày nay là kết quả phát triển của 5 giai đoạn kiến tạo địa chất, từ kỷ Ordovician (464 triệu năm) đến Đệ Tứ. Điều này đã được đánh giá và minh chứng thông qua các phức hệ hoá thạch cổ sinh phong phú và đa dạng, đại diện cho nhiều tuổi địa tầng khác nhau. - Hang động: Đã tiến hành công tác khảo sát và đo vẽ được 404 hang động với tổng chiều dài 220km; phân chia thành ba hệ thống chính: hệ thống Phong Nha, hệ thống Vòm và hệ thống Chày. Hệ thống động Phong Nha – Kẻ Bàng được đánh giá có giá trị hàng đầu thế giới vì giữ được sự nguyên vẹn các giá trị về địa chất – địa mạo, vốn được hình thành từ quá trình kiến tạo lớp vỏ Trái đất lâu dài; nổi bật là hang Sơn Đoòng, động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường và Hoà Hương,…
- Thuỷ văn: 03 con sông chính bao gồm sông Chày, sông Son và sông Troóc, được cung cấp nguồn nước chính từ hệ thống các sông suối ngầm karst đổ ra các điểm tại hang Én, hang Vòm, hang Tối và hang Phong Nha….
- Thảm thực vật: Gồm 15 kiểu sinh cảnh rộng lớn với 21 kiểu thảm thực vật quan trọng. Rừng kín thường xanh che phủ 93,5% diện tích, trong đó trên 90% là hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi lớn nhất khu vực Đông Nam Á và hầu như chưa bị tác động.
- Thực vật: Ghi nhận 2.952 loài thực vật thuộc 1.006 chi, 198 họ, 62 bộ, 11 lớp, 6 ngành, trong đó có 112 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam, 121 loài được ghi vào Sách đỏ IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế), 01 loài nằm trong các phụ lục CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp), 03 loài nằm trong Nghị định 64/2019/NĐ-CP.
- Động vật: Ghi nhận 1.394 loài động vật thuộc 835 giống, 289 họ, 66 bộ, 12 lớp, 4 ngành, trong đó có 84 loài được ghi trong sách Đỏ Việt Nam, 110 loài được ghi trong Sách đỏ thế giới (IUCN – Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế), 55 loài có tên trong các phụ lục CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp), 40 loài có tên trong Nghị định 64/2019/NĐ-CP. Trong đó có một số loài động vật quý hiếm, có thể kể đến như voọc Hà Tĩnh, voọc Chà vá chân nâu, vượn Đen má trắng, sao la, mang,…
- Loài mới: Khu vực này là nơi ghi nhận nhiều loài mới cho khoa học đầu thế kỷ 21; 42 loài mới được công bố trên toàn toàn cầu, bao gồm 38 loài động vật và 04 loài thực vật.
- Dân số vùng đệm: 68.501 người (tính đến tháng 12/2020); mật độ dân số trung bình 19,96 người/km2
- Dân tộc: Ngoài người Kinh chiếm 83,1% tổng dân số, trong khu vực còn có nhiều tộc người khác cùng sinh sống của 2 dân tộc chính: dân tộc Chứt (chiếm 4,3%, gồm các tộc người Sách, Mày, Rục, A rem) và dân tộc Vân Kiều (chiếm 12,6%, gồm các tộc người Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì).
- Di tích lịch sử – văn hoá: Bến phà Xuân Sơn, Đường mòn Hồ Chí Minh, đường 20 Quyết Thắng, đèo Mụ Giạ, A.T.P, Trà Ang, Cà Tang, cua Chữ A, Khe Ve, Hang Tám Cô, hang Chín Tầng, bến phà Nguyễn Văn Trỗi, đền Tiên sư tự cốc.
- Lễ hội và Văn hóa truyền thống: Lễ hội Đập trống của người Ma Coong được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm ( n lịch), tại xã Thượng Trạch; hát Tuồng bội của người Kinh ở Khương Hà (thuộc xã Hưng Trạch); Lễ hội Rằm Tháng 3 m lịch tại Minh Hóa; Lễ hội Đền Nghe; Lễ hội Mừng cơm mới, Lễ mở cửa rừng, Lễ xin nước tiên…
- Di chỉ khảo cổ: Ghi nhận 33 di chỉ khảo cổ có niên đại từ 3.000 – 12.000 năm trước. Có thể kể đến một số di chỉ đặc trưng ở Phong Nha – Kẻ Bàng, như: Di chỉ hang Bi Ký trong động Phong Nha, bao gồm bàn thờ Chàm, 97 ký tự cổ được khắc trên vách đá, tượng đá, mảnh gốm và các bài vị chứa đựng các thông tin về văn hoá Chăm Pa; Di chỉ ở xã Hưng Trạch, Sơn Trạch (nay là thị trấn Phong Nha) gồm những ngôi mộ chum bằng gốm, khuyên tai, lưỡi rìu đồng chứa đựng các thông tin về văn hoá Đông Sơn và Sa Huỳnh.
Các hoạt động du lịch trong VQG Phong Nha – Kẻ Bàng
- Động Phong Nha – Tiên Sơn
- Động Thiên Đường
- Khu du lịch Sông Chày, Hang Tối, Suối nước Moọc
- Khu du lịch Ozo Park
- Khu du lịch sinh thái vườn thực vật Botanic Gardens
- Thung lũng sinh tồn, hang thuỷ cung (Hang E) do công ty Mộc Nam khai thác
- Các tuyến du lịch mạo hiểm: Sơn Đoòng, Hang Én, Hang Va, Hệ thống Hang Ba, Đại Cáo do công ty Oxalis Adventure khai thác
- Các tuyến Trạ Ang, Hang Over, Pygmy, Hang Hổ do công ty Jungle Boss khai thác.
- Hang Ô Rô Hoàn Mỹ do đông ty Đoàn Gia khai thác
Xem thêm bài viết: Du lịch Quảng Bình 4 ngày 3 đêm: kinh nghiệm, lịch trình tour chi tiết
Thời tiết Phong Nha – Kẻ Bàng
Cũng giống như khí hậu vùng Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng, vườn quốc gia này mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm. Nhiệt độ trung bình hàng năm dao động trong khoảng 23-25°C, cao nhất là 41 °C vào mùa hè và thấp nhất là 6 °C vào mùa đông. Thời kỳ nóng nhất tại đây là vào tháng 6 đến tháng 8 với nhiệt độ trung bình là 28 °C, trong khi đó từ tháng 12 đến tháng 2 nhiệt độ trung bình là 18 °C. Lượng mưa trung bình hàng năm dao động từ 2.000–2.500 mm, với 88% lượng mưa chiếm trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12. Mỗi năm có hơn 160 ngày mưa. Độ ẩm tương đối là 84%.
Cách đến Phong Nha Kẻ Bàng
- Xe máy: Với quãng đường 45km từ trung tâm thành phố Đồng Hới theo nhánh đông đường Hồ Chí Minh, việc di chuyển bằng xe máy sẽ mất khoảng 60 phút.
- Xe ôtô: Nếu di chuyển từ Đồng Hới đến Phong Nha theo nhánh đông đường Hồ Chí Minh bằng oto, bạn sẽ chỉ cần từ 45-50 phút.
- Xe buýt: Xuất phát từ trung tâm thành phố với quãng đường 50km, lộ trình xe buýt từ Đồng Hới đến Phong Nha sẽ kéo dài 65-70 phút, và bao gồm thời gian đón trả khách tại các điểm chờ.
The Oxalis Experience.